- content:
Đất Liễu Giai là nơi có những dấu vết của quá khứ xưa được lưu lại qua các di tích lịch sử - văn hóa, mà tiêu biểu là các ngôi đình, đền, chùa còn trên địa phận phường ngày nay.
Đình Liễu Giai
Đình Liễu Giai thuộc trại Liễu Giai nằm trong tổng Nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên nay thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đình được xây dựng lâu đời thờ Thành hoàng Nguyễn Quý Công – Thái giám Linh chương Đại Vương. Năm 1995, đình được chính quyền quan tâm tạo điều kiện, nhân dân Liễu Giai phát công đức xây lại theo kiến trúc cũ.
Đình Liễu Giai được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận và quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 26/3/2003.
Đền Liễu Giai
Đền Liễu Giai thuộc trại Liễu Giai thờ Mẫu Ngọc Nương tôn linh Thủy tinh công chúa – Thượng đẳng Phúc Thần, cùng chung thờ với đền Đống Nước. Đền Liễu Giai xây từ thời nhà Trần, qua bao lần trùng tu tôn tạo, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đền được sửa chữa lớn, mặt quay hướng Tây Nam. Đền còn giữ được cuốn thần phả do quan Hàn Lâm đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm 1572 và một đạo sắc phong thời Thành Thái nguyên niên ngày 18/11.
Đền Liễu Giai được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 27/12/1990
Đình Vĩnh Phúc
Đình Vĩnh Phúc thuộc trại Vĩnh Phúc, xưa có tên là Vĩnh Khánh. Năm 1729, vua Lê Duy Phường lên ngôi lấy niên hiệu là Vĩnh Khánh, tên trại phạm niên hiệu của vua nên phải đổi tên thành Vĩnh Phúc. Đình Vĩnh Phúc xưa nằm trong tổng Nội, huyện Quảng Đức, phụ Phụng Thiên nay thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đình Vĩnh Phúc xây dựng vào thời nhà Lý, thờ Nguyễn Quý Công gần nơi ông hóa, mối đùn thành mộ thiêng, nằm trong khu vực núi Cờ.
Đình đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia số 1777/VH-QĐ ngày 5/3/1990.
Chùa Vĩnh Khánh
Chùa Vĩnh Khánh thuộc trại Vĩnh Phúc, nằm trong tổng Nội, huyện Quảng Đức, phụ Phụng Thiên nay thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Chùa nằm trong quần thể di tích Đình, Chùa, Đền theo bố cục giữa Đình và Chùa: tiền Thần hậu Phật. Chùa đã nhiều lần được trùng tu, là một di tích tôn giáo thờ Phật, có quan hệ mật thiết với cộng đồng dân cư Liễu Giai, Ngọc Hà và các vùng lân cận.
Chùa Vĩnh Khánh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 5/3/1990.
Từ xưa đến nay, nhân dân phường Liễu Giai cùng nhân dân các phường ban trong Thập Tam trại vẫn giữ truyền thống của tổ tiên, hàng năm theo tục lệ ngày 23/3 âm lịch tổ chức các đoàn đại biểu về dự lễ hội quê hương cựu quán Lệ Mật. Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn phường tổ chức 03 lễ hội thường niên trong năm: Lễ hội kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Hoàng Lệ Mật (13 tháng Giêng) tại Đình Liễu Giai, Lễ hội kỷ niệm ngày hóa Đức Thánh Mẫu Ngọc Nương công chúa (17/8) tại Đền Liễu Giai và Lễ hội kỷ niệm ngày hóa Đức Thánh Hoàng Lệ Mật (12/10) tại Đình Vĩnh Phúc.