|
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Quận (31/5/1961 - 31/5/2021) và thành lập Đảng Bộ Quận Ba Đình (9/6/1961 - 9/6/2021).

Lịch sử vùng đất - Điều kiện tự nhiên

content:

Trong thần tích của thần do quan Hàn Lâm đông các đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn thời Vua Phúc Thái, đời Lê Trung Hưng và cuốn Ngọc Phả lưu giữ ở Đình Lệ Mật cùng nhiều thư tịch cổ khác còn ghi lại, vào thời Vua Lý Thái Tông, ở trấn Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Lệ Mật có một nhà họ Nguyễn húy tên Quang, vợ là Hoàng Thị Tâm. Hai vợ chồng tính nết hiền lành, phúc hậu, rộng rãi, nhà nghèo, muộn con. Một hôm Thái bà đến chùa Đại Bi ở tận xã Đoạn Bái, huyện Gia Định, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc lễ Phật, thấy trong chùa có một tượng Phật bằng đá đứng giữa chùa. Thái bà cúi lậy, tụng niệm cầu Đức Phật phù hộ cho sinh một người con trai giống tượng đá thì quý hóa vô cùng. Cầu xong Thái bà cúi đầu lễ Phật rồi về nhà, ít lâu sau có thai. Đến khi thai đủ tháng, đủ ngày Thái bà hạ sinh được một người con trai vào đúng giờ ngọ ngày 13 tháng giêng năm Bính Dần (1026), diện mạo khôi ngô, vẻ người đức độ, duy “dĩ ngọc hành vô hữu”. Hai vợ chồng rất lấy làm buồn, song vẫn chuyên tâm nuôi dưỡng chu đáo, cho tới lúc trưởng thành, năm 13 tuổi hai ông bà mới đặt tên cho con là Quý Công (con cầu tự). Ngày qua tháng lại, năm 16 tuổi, Nguyễn Quý Công trở thành một chàng trai tài giỏi, xuất sắc hơn người, sức mạnh tuyệt vời.

Bấy giờ trong triều Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) nghe ở thôn Lệ Mật có một người tài giỏi như vậy, bèn có chiếu, chiêu vời Nguyễn Quý Công vào triều nhận làm giám quan phục vụ ở điện công chúa Cả, tọa lạc trên đỉnh núi Cung. Phục vụ trong cung công chúa được một năm, vào năm 1043, công chúa Cả con Vua Lý Thái Tông được phép Vua cha cho về thăm quê bằng thuyền từ sông Hồng, vừa vào sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), bỗng sóng dữ nổi lên làm lật thuyền, công chúa bị chết đuối. Được tin thuyền bị đắm, công chúa chết đuối, Vua bèn sai các quan cho thuyền đi mò tìm khắp đoạn sông dài nhưng không tìm được xác công chúa. Chỉ có một mình Nguyễn Quý Công liều thân lặn xuống đáy sông giao đấu với các loài thủy tặc giành được xác công chúa đưa lên bờ. Nhà Vua rất mừng, khen Nguyễn Quý Công là người đại tài, ban thưởng tước lộc, phong cho chức Thái giám nội y tự khanh, thưởng vàng 100 cân, lụa 100 tấm gọi là ân thưởng. Thái giám Nguyễn Quý Công tư chối, dâng biểu xin đức Vua khu vực vườn Tây Cấm phía tây kinh thành Thăng Long nằm ở phía sau chùa Bảo Tự, nơi có nhiều đất hoang hóa, được đưa dân nghèo ở bản trang và các làng lân cận sang khai khẩn. Được Vua Lý Thái Tông ưng thuận, ông về đưa dân làng Lệ Mật và các làng lân cận sang sản xuất, lập thành 13 trại. Mười ba làng trại được hình thành dưới sự chỉ bảo của ông, sau này khu vườn Tây Cấm trở thành một vùng nông nghiệp trù phú.

Vào năm Kỷ Hợi (1119), Nguyễn Quý Công bị bệnh già chết ở trong Triều ngày 13/10, thọ 93 tuổi. Vua vô cùng thương tiếc vị công thần đã có công phục vụ 3 vương triều Lý (Lý Thái Tông - Lý Thánh Tông - Lý Nhân Tông). Vua Lý Nhân Tông ban thưởng lụa là, sai quần thần đưa rước thi hài ông về bản quán trang Lệ Mật, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc để an táng và lệnh cho các trại bên kinh quán cùng cựu quán nghênh tang. Việc chưa thực hiện được, thì nơi quàn thi hài Nguyễn Quý Công mối đã đùn thành mộ thiêng. Vua Lý Nhân Tông bèn cấp cho trại 300 quan để làm tiền hương hỏa xây lăng lập mộ và cho xây đền thờ ông gần lăng mộ nằm trong khu vực núi Cờ. Vua cũng ban phong mỹ tự Trung đẳng phúc thần và chuẩn hứa cho phủ Phụng Thiên, huyện Quảng Đức, trại Vĩnh Khánh (thời gian đầu có tên là trại Vĩnh Khánh - sang thời Lê do phạm vào niên hiệu của Vua nên đổi thành trại Vĩnh Phúc) được giữ hương hỏa, muôn đời cúng tế. Bản trang Lệ Mật cũng được nhà Vua cho xây đền thờ ông.

Nơi thờ Thần ở đình Vĩnh Phúc và Lệ Mật, từ thời Trần sang thời Lê, thời Nguyễn đã được các triều đại phong kiến phong 17 đạo sắc, trong đó thời Trần có 2 đạo sắc phong là Thái giám Linh chương Đại Vương, thượng đẳng phúc thần; sang thời Lê được ban phong thêm là Bản cảnh Thành hoàng uy linh hộ quốc tý dân; sang thời Nguyễn ban phong thêm Vũ dũng, rồi Vũ dũng lược Tinh minh hiển hách, giúp nước, giúp dân, linh thiêng ghi nhớ.

Hiện nay, trong đình Vĩnh Phúc và đền Lệ Mật thờ Thái giám Linh chương Đại Vương (Thành hoàng Lệ Mật) còn lưu giữ đôi câu đối:

“Đoạn giao dũng quán quần luân Lý triều thiên niên vạn niên nhi hậu

Dược mã ân lưu quyết ấp Long thành Thập Tam Trại cấu truyền”

Dịch nghĩa:

“Chém loài giao sức mạnh vượt người thường sau triều Lý muôn ngàn năm còn dậy tiếng Tung vó ngựa ơn sâu lưu ấp cũ cạnh thành Rồng mười ba trại vẫn truyền danh”

Xin nói rõ thêm về Thập Tam Trại (13 trại). Thập Tam Trại nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, tính từ phía Đông sang phía Tây, nằm giữa hai con đường Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn có: Khán Xuân, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Khánh (Vĩnh Phúc), Đại Bi (Đại Yên), Cống An (Cống Yên), Liễu Giai; nằm giữa phố Đội Cấn và đường Kim Mã có: Vạn Bảo (Vạn Phúc), Cống Trại (Cống Vị), Thị Lệ (Thủ Lệ); nằm giữa đường Kim Mã và đường Đê La Thành có: Võ Trại (Giảng Võ), Tầu Mã (Kim Mã) và Hào Nam.

Trại Liễu Giai và trại Vĩnh Phúc (thuộc phường Liễu Giai ngày nay) là hai trại trong số Thập Tam Trại do ông Nguyễn Quý Công lập ra thời Lý (1009 - 1225). Trước đó, vùng này đã có cư dân sinh sống từ thời Hùng Vương (các nhà khảo cổ đã đào được trống đồng loại I, loại cổ nhất ở ngay trong sân thể thao Quần Ngựa).

Đến thời Nguyễn Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) về mặt hành chính bỏ tổng trấn Bắc Thành và tổng trấn Gia Định, cả nước ta chia thành 29 tỉnh. Thăng Long đổi thành Hà Nội, dưới có 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, dưới tổng có xã và thôn, không có trại. Quy định phải có 25 nóc nhà trở lên mới được thành lập xã, dưới 25 nóc nhà thì phải ghép các thôn thành một xã. Do vậy, trại Vĩnh Phúc không đủ 25 nóc nhà nên phải sáp nhập với Cống Yên gọi là xã Vĩnh Phúc - Cống Yên; trại Liễu Giai đủ 25 nóc nhà trở lên, được lập thành xã, nằm trong tổng Nội.

Về tên gọi Liễu Giai, xưa còn có truyền thuyết, gợi lại sự tồn tại nơi đây có điện công chúa trên đỉnh núi Cung với một dặng Liễu trồng hai bên đường, từ hoàng thành ra điện công chúa ở phía tây đối xứng với con đường rợp bóng Hòe Nhai ở phía đông hoàng thành đi ra điện ở của hoàng tử gần chùa Hòe Nhai. Người Hà thành xưa thường gọi là “Đông Hòe, Tây Liễu”. 

Trại Liễu Giai và trại Vĩnh Phúc, phía Đông giáp trại Đại Yên, phía Tây và Nam giáp cánh đồng Vạn Phúc. Do sự thay đổi địa giới hành chính cũng như tên gọi của địa danh qua các thời kỳ mà hai trại Liễu Giai và Vĩnh Phúc xưa cũng có quá trình thay đổi về tổ chức hành chính. Từ trại, xã riêng biệt, có giai đoạn sáp nhập với các xã, phường bạn. 

Từ lâu đời, các trại Liễu Giai, Vĩnh Phúc cũng như các trại phía Tây kinh thành Thăng Long sống chính bằng nghê nông, cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành. Một số gia đình có nghề trồng, khai thác cây thuốc nam và chế biến các bài thuốc nam, bán trong các chợ lớn ở thành phố. Một bộ phận phụ nữ làm nghề buôn bán hoa, nhiều nam giới đi làm thợ nề, thợ mộc, làm cai hoặc làm công nhân, số người đi học để làm công chức rất ít.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo lời kêu gọi cứu nước, cũng như các địa phương khác nhiều thanh niên trai tráng của hai làng Liễu Giai và Vĩnh Phúc tích cực lên đường nhập ngũ, phần lớn các gia đình chỉ còn lại ông bà già, trẻ em ở nhà. Một số gia đình tản cư ra các tỉnh lân cận (Sơn Tây, Phúc Yên…), những người còn lại sống trong lòng địch rất cơ cực. Mặc dù vậy, nhân dân trên địa bàn vẫn một lòng theo Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Hòa bình lập lại, nhân dân trại Liễu Giai và Vĩnh Phúc hăng hái bắt tay ngay vào sản xuất, khai phá lại ruộng đất, trồng lúa, trồng rau, trồng hoa, phục hồi các nghề thủ công truyền thống, phát triển nhiều loại hình dịch vụ buôn bán nên đời sống đỡ khó khăn, túng thiếu.

Đến năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam, đánh phá miền Bắc, mà Hà Nội là một mục tiêu trọng điểm của chúng. Nhân dân Liễu Giai và Vĩnh Phúc vẫn kiên trì bám đất, bám làng phát triển sản xuất để bảo đảm đời sống, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Các loại cây lương thực, cây rau vẫn là nguồn thu nhập chính, vừa đảm bảo ổn định kinh tế gia đình, vừa làm nghĩa vụ nộp sản phẩm cho nhà nước; các cửa hàng dịch vụ trên một số tuyến phố chính vẫn buôn bán dưới làn mưa bom, bão đạn.

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, có thời cơ để từng bước ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân Liễu Giai và Vĩnh Phúc đã hăng hái thi đua sản xuất bảo đảm đời sống, trồng nhiều loại rau, hoa cung cấp cho cư dân thành phố. Đặc biệt, từ năm 2005, sau khi điều chỉnh địa giới phường theo Nghị định của Chính phủ, chính quyền được củng cố. Dọc mặt đường Liễu Giai – Văn Cao, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Đốc Ngữ… các cửa hàng trưng bày và buôn bán sản phẩm, kinh doanh dịch vụ mọc lên san sát.

 

content:

content:

Album ảnh